Sáng tạo nhà nông: Cạnh tranh với máy nông nghiệp Nhật

Sáng tạo nhà nông: Cạnh tranh với máy nông nghiệp Nhật

         Không ai thông hiểu nỗi niềm cực nhọc của nông dân bằng chính những người một nắng hai sương, chân lấm tay bùn. Đó là khởi nguồn của một loạt máy móc được người nông dân Nguyễn Kim Chính chế tạo trong nhiều năm qua. 

     

 Cuối những năm 90, Nguyễn Kim Chính (ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, Bình Định) có sản phẩm sáng chế đầu tiên là máy gặt lúa rải hàng. Trước đó, bà con nông dân được tiếp cận với loại máy gặt lúa của Nhật nhưng phải chiều theo “lịch làm việc” oái ăm của chiếc máy là nắng làm mưa nghỉ. Vì khi cây lúa bị ướt, lá nghiêng ngả khiến cả đám lúa dồn cục phía trước, máy không chạy được. Không chịu thua, ông Chính bắt tay vào tìm cách chữa tật cho máy. Nhưng việc bắt một cái máy làm việc ở Nhật trở thành máy cho người Việt Nam không đơn giản. Mất đến hơn 3 năm ông Chính trăn trở, mất ăn mất ngủ, cuối cùng, ông đã thành công với hệ thống truyền động phía trước máy bằng sợi xích và nhông xe máy để kéo lá ướt lên bánh tóm lúa đưa ra ngoài. Rốt cục, chiếc máy nắng làm mưa nghỉ đã bị khuất phục, có thể làm trong mưa, trong nước còn tốt hơn ngày nắng. Chiếc máy cải tiến đã làm lợi đáng kể, gấp từ 40-60 công người gặt lúa và đã có hơn 200 máy được bán ra. Năm 2012, máy gặt rải hàng của ông Chính được Bộ Công thương công nhận là sản phẩm nông nghiệp - nông thôn của khu vực và đã được cấp bằng sáng tạo cấp quốc gia.

         Sau máy gặt rải hàng là dụng cụ cắt cành, hái quả, phục vụ chủ yếu cho bà con miền Nam. Ông Chính kể: “Hồi đó, trong miền Nam đã có máy cắt cành của Trung Quốc, Đài Loan... nhưng bà con than dữ quá. Máy loại đó thường khó cắt cành hư mà lại ảnh hưởng tới cành lành, rồi hái trái cũng phải hái luôn nhiều trái còn non, trái chưa đến lượt. Thấy vậy nên họ nhờ tui nghĩ ra giùm một loại kéo nào vừa đứng ở dưới hái được mà lại không ảnh hưởng đến những trái, cành khác”. Sau gần 3 năm, ông Chính cho ra loại dụng cụ cắt cành, hái quả không đụng hàng: gọn nhẹ, bền, rẻ, dễ sử dụng và co kéo dài ngắn tùy ý. Chiếc kéo này đã được giải nhì cấp tỉnh và giải ba toàn quốc về sáng chế nông cụ, cũng được cấp bằng sáng tạo cấp quốc gia.

Năm 2010, ông Nguyễn Kim Chính lại tiếp tục nghĩ đến mô hình máy tuốt đậu phộng cho bà con nông dân ở xã Cát Hiệp, Phù Cát. Đây là vùng đất khô cằn cát sỏi giàu lên nhờ cây đậu phộng. Máy tuốt đậu cũ có nhược điểm là văng đậu lung tung. “Thời điểm này, một công ty của Nhật có giới thiệu loại máy tuốt đậu phộng rất tốt nhưng giá lại gần 1 tỉ đồng. Bà con mình đào đâu ra tiền mà mua”, ông Chính trăn trở. Vậy là lại dồn công nghiên cứu, tìm cho ra đáp án trước những mùa thu đậu kế tiếp. Đầu năm 2012, người nông dân kiêm nhà sáng chế này cho ra sản phẩm máy tuốt đậu không bể hạt nhưng chưa phân loại được đất, lá, năng suất mới chỉ đạt 240 kg/giờ. Đến tháng 6.2012, chiếc máy của ông đã chia được đất, lá để loại ra riêng và đạt năng suất 1 tấn/giờ. Máy làm không kịp bán. Không chỉ nông dân ở Bình Định đặt hàng mà bà con ở các tỉnh như Đắk Nông, Đắk Lắk, các tỉnh phía nam... cũng xếp hàng đợi máy. Chiếc máy này ông Chính đang làm thủ tục hồ sơ cấp bằng sáng chế tại Sở KH-CN Bình Định.

         Ông bảo, mình còn làm được thì ở yên không chịu nổi. Hơn nữa, thấy bà con vui vì nhờ sản phẩm của mình mà họ bớt khổ, lại giàu lên, khấm khá thì ông lại được tiếp thêm động lực. Với ông nông dân luống tuổi này thì việc còn sống, còn sáng chế là còn vui, niềm vui trong những say mê không mệt mỏi.

Thủy Trần (nguồn: theo baocongthuong.com.vn) 



Xem tin khác